Nhật Bản – TKV: Hợp tác & Phát triển

           Trên 40 năm qua, Việt Nam và Nhật Bản nói chung cũng như TKV và các đối tác Nhật Bản trong ngành công nghiệp than nói riêng đã có nhiều dự án hợp tác thành công.

 

Hợp tác kỹ thuật và đào tạo

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) thông qua Tổ chức Phát triển Công nghệ và Năng lượng mới (NEDO), Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC), Trung tâm năng lượng Than Nhật Bản (JCOAL), Công ty Than Kushiro (KCM) đã tài trợ và hợp tác với TKV thực hiện “Dự án đào tạo nâng cao năng lực sản xuất than”. Dự án nhằm nâng cao năng lực sản xuất và quản lý an toàn cho các mỏ than Việt Nam bằng cách tổ chức đào tạo tại Nhật Bản và Việt Nam.

Hàng năm, TKV tổ chức tuyển chọn các cán bộ gửi sang đào tạo tại Nhật Bản theo nội dung chương trình và số lượng được thoả thuận giữa hai bên. Đồng thời, phía Nhật Bản phái cử các chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam khảo sát, điều tra thực tế tại các mỏ hầm lò, tổ chức các khoá đào tạo tại chỗ nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý sản xuất cho các cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam. Dự án đã được triển khai trong vòng 13 năm từ 2001-2014 với tổng số tu nghiệp sinh được đào tạo tại Nhật Bản là 1.427 người; Trong năm tài khóa 2015, có 84 tu nghiệp sinh là các kỹ sư mỏ của TKV tiếp tục được gửi sang đào tạo tại Nhật Bản.

Dự kiến năm 2016, số lượng tu nghiệp sinh được gửi sang đào tạo tại Nhật Bản ở mức như năm 2015.

Hợp tác thăm dò, khảo sát than và nghiên cứu phủ xanh các bãi thải mỏ

Tháng 12/2011, Tổ chức Phát triển Công nghệ và Năng lượng mới (NEDO) và TKV đã ký Thỏa thuận thực hiện Dự án khảo sát, thăm dò than tại Đồng Rì, Bắc Giang. Dự án nhằm thăm dò, tìm kiếm thêm nguồn than bổ sung cho trữ lượng than hiện có của TKV. Nguồn vốn của Dự án do NEDO cấp không hoàn lại. Theo đó, hai Bên ký kết Kế hoạch thực hiện hàng năm và NEDO ký hợp đồng thuê đơn vị của TKV thực hiện công tác khoan thăm dò. Dự án kéo dài 4 năm được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn I: từ năm 2011-2012: Năm 2011 đã thực hiện được 01 lỗ khoan có chiều sâu là 107m. Ngày 08/11/2012 hai Bên đã ký kết Bản ghi nhớ và kế hoạch thực hiện dự án cho năm tài khóa 2012 với tổng chiều sâu là 1800m khoan.

Giai đoạn II: từ năm 2013-2014: hai Bên tiếp tục triển khai khoan thăm dò với tổng khối lượng đã thực hiện tại Đồng Rì là 7LK/3.588m; Tổng giá trị khoan khoảng 1,1 triệu USD. 

Sau quá trình triển khai khoan thăm dò tại Đồng Rì, hai Bên đã đánh giá tiềm năng than tại khu vực này là hạn chế. Do đó năm 2014, JOGMEC (đơn vị được Chính phủ Nhật Bản giao tiếp nhận công việc từ NEDO) và TKV đã chấm dứt thăm dò tại Đồng Rì và ký kết Bản ghi nhớ hợp tác khảo sát và thăm dò than tại khu vực Bắc Suối Lại, Quảng Ninh. Thời hạn của dự án trong vòng 03 năm, bắt đầu từ năm tài khóa Nhật Bản 2014. Khối lượng khoan trong năm 2014 tại khu vực Bắc Suối Lại là 4LK/2.300m. Tổng giá trị khoảng 593.490 USD.

Năm 2015, do một số nguyên nhân, phía Nhật Bản đã quyết định tạm dừng triển khai năm thứ 2 của dự án thăm dò than khu vực Bắc Suối Lại, Quảng Ninh.  

Tháng 1/2016, phía Nhật nối lại dự án hợp tác với TKV khoan thăm dò khu vực Bắc Suối Lại năm tài khóa 2015 với khối lượng 4LK/2.750m; Tổng giá trị khoan khoảng 761.000 USD, hiện tại Dự án khoan thăm dò này đang được triển khai thực hiện.

Dự án nghiên cứu phủ xanh bãi thải mỏ

Dự án nghiên cứu phủ xanh các bãi thải mỏ tại khu vực Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã được TKV và NEDO phối hợp thực hiện trong 14 tháng và đã kết thúc vào tháng 3/2012 với nội dung chủ yếu nhằm nghiên cứu tình trạng hiện tại và các yếu tố gây khó khăn cho việc phủ xanh các bãi thải mỏ; nghiên cứu cải tạo đất bằng việc sử dụng tro than từ nhà máy nhiệt điện; nghiên cứu việc trồng cây trên các bãi thải; hợp tác chuyển giao kỹ thuật và kiến thức nghiên cứu.

Phía NEDO hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, cử chuyên gia môi trường của Nhật Bản sang Việt Nam. TKV chịu chi phí triển khai trồng cây phủ xanh bãi thải mỏ.

TKV đã cùng với NEDO đánh giá kết quả ban đầu của dự án và đã có đề nghị phía Nhật Bản xem xét để tiếp tục triển khai dự án hợp tác trong lĩnh vực môi trường với thời gian dự án dài hơn và quy mô lớn hơn.

Sau khi JOGMEC tiếp nhận các công việc từ NEDO, TKV và JOGMEC đã triển khai dự án phủ xanh bãi thải trên quy mô 1 héc-ta tại bãi thải mỏ than Núi Béo giai đoạn 2013 – 2014. Căn cứ vào kết quả đã đạt được tại bãi thải mỏ than Núi Béo, các bên sẽ đánh giá và nghiên cứu khả năng triển khai dự án tại các bãi thải mỏ khác của TKV.

Dự án hợp tác nghiên cứu công nghệ than giữa Việt Nam – Nhật Bản nhằm sử dụng, phát triển than bền vững và đảm bảo môi trường

Năm 2014, TKV và JOGMEC đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về việc hợp tác nghiên cứu công nghệ than giữa Việt Nam – Nhật Bản nhằm sử dụng, phát triển than bền vững và đảm bảo môi trường.

Dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, được triển khai trong năm tài khóa 2014 bao gồm xây dựng quy hoạch một chuỗi công nghiệp than trong đó kết hợp hiệu quả giữa nhiệt điện, công nghiệp hóa chất than… và tập trung vào một khu vực mỏ than kiểu mẫu, đồng thời đánh giá kế hoạch thực hiện quy hoạch chuỗi công nghiệp than. Khu vực nghiên cứu của dự án bao gồm Hòn Gai và Cẩm Phả – tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thái Nguyên của Việt Nam.

Cùng với sự hỗ trợ từ phía TKV, các chuyên gia của JOGMEC đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu tại các mỏ than, các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sàng tuyển và chế biến than, khảo sát công tác vận chuyển than… tại các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Phía JOGMEC cũng đã trình bày báo cáo sơ bộ kết quả dự án và tiến tới hoàn thiện báo cáo cuối cùng trình các cấp thẩm quyền của hai bên.

Hợp tác thương mại giữa TKV và các khách hàng Nhật Bản

TKV đã có quan hệ xuất khẩu than cho các đối tác Nhật Bản trên 20 năm. Hàng năm, TKV xuất khẩu than an-tra-xit cho các khách hàng Nhật Bản chủ yếu trong các ngành công nghiệp sản xuất thép, xi măng, điện cực, hoá chất… và một số ngành công nghiệp dân sinh khác. Một số khách hàng nhập than chính của TKV như Nippon Steel-Sumitomo Metan, JFE Taiheiyo, Sumitomo Osaka Cement, NDK thông qua các công ty thương mại lớn như Marubeni, Sumitomo Corp, Nippon Steel Trading. Bên cạnh việc xuất khẩu các loại than chất lượng cao sang thị trường Nhật Bản, TKV hiện cũng đang hợp tác với các công ty thương mại của Nhật Bản để tìm kiếm nguồn than nhập khẩu sau năm 2016 cung cấp cho các dự án nhiệt điện tại Việt Nam. Bên cạnh đó, TKV và Marubeni cũng hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm alumin từ Dự án tổ hợp bôxít-nhôm Lâm Đồng của TKV.

Chương trình Giao lưu kỹ thuật và chuyển giao công nghệ than sạch

Những năm gần đây, Việt Nam và Nhật Bản triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực than từ khai thác, chế biến đến sử dụng nguồn tài nguyên này. Đặc biệt, những năm gần đây, Nhật Bản tích cực hổ trợ Việt Nam nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sử dụng than: công nghệ phối trộn than; công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn; công nghệ than sạch,vv… Việc nghiên cứu áp dụng các công nghệ tiên tiến này, đặc biệt cho các nhà máy nhiệt điện chạy than tại Việt Nam, là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Hiện nay, phía Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án nghiên cứu đốt than trộn cho các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam, dự kiến triển khai trong 2 năm bắt đầu từ tháng 4 năm 2012. Bước đầu, Dự án đã cho kết quả khả quan.

Hợp tác trong lĩnh vực nhà máy nhiệt điện

Hiện TKV đang dự kiến tìm kiếm khả năng hợp tác với Tập đoàn Marubeni trong 2 dự án nhiệt điện:

Dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II (110MW):

Ngày 22/12/2009, TKV và Marubeni đã ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển Dự án Nhiệt điện Na Dương II. Bản ghi nhớ này đã được hai Bên gia hạn đến hết năm 2015. Hiện biên bản này đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2015.

Dự án đầu tư đã được TKV phê duyệt từ tháng 9/2015, trong đó TKV giao cho Tổng công ty Điện lực – Vinacomin làm chủ đầu tư. Hai bên vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng về việc hợp tác thực hiện gói thầu EPC dự án do giá chào của MC cao hơn giá kế hoạch. Hiện Tổng công ty Điện lực – Vinacomin và Marubeni đang tiếp tục đàm phán về gói thầu EPC dự án. Dự kiến Marubeni sẽ có bản chào phương án cuối cùng trước ngày 10/6/2016 để có kết luận cuối cùng.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I (1200MW):

Ngày 24/12/2011, TKV và Marubeni đã ký Bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư và phát triển Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I. Đến nay, Biên bản này đã hết hiệu lực. Hai bên đang xem xét tiếp tục gia hạn Bản ghi nhớ để có cơ sở hợp tác triển khai các công việc tiếp theo của Dự án.

Ngày 10/5/2016, TKV đã trình Bộ Công Thương đề nghị thẩm định, phê duyệt FS dự án. Hiện vẫn đang triển khai công tác bồi thường, GPMB.

Hợp tác tại Dự án cảng trung chuyển cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long được TKV triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 4434/VPCP-KTN ngày 28/6/2010 và Công văn số 7194/BCT-NL ngày 20/7/2010 của Bộ Công Thương về việc “Lập dự án đầu tư Cảng trung chuyển cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng Sông Cửu Long”.

Vị trí xây dựng cảng đã được Chính phủ chấp thuận tại Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) là địa điểm xây dựng Cảng (Văn bản số 3492/VPCP ngày 04/5/2013 về việc “địa điểm đầu tư xây dựng cảng trung chuyển cung cấp than cho các Trung tâm nhiệt điện khu vực ĐB Sông Cửu Long”).

Nội dung nghiên cứu Dự án đã được Nhóm nghiên cứu JICA hoàn thành và gửi cho TKV vào tháng 01/2015. Trên cơ sở kết quả Dự án đã được JICA thực hiện, TKV đã phối hợp với đơn vị tư vấn trong nước (Port Coast) để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo quy định hiện hành của Việt Nam.

Hiện tại, TKV đã cập nhật, điều chỉnh báo cáo cuối kỳ của Dự án theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương tại công văn số 1584/BCT-TCNL ngày 24/02/2016 của Bộ Công Thương về việc “Hoàn thiện BCNCKT cảng trung chuyển than khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

 

Bài trướcChương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam
Bài tiếp theoPhân công nhiệm vụ các thành viên Ban Lãnh đạo điều hành TKV