Cùng đi có các đồng chí: Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy TQN, Phó TGĐ Tập đoàn TKV; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo thị xã Đông Triều…
Từ năm Minh Mệnh thứ 20, ngày 10/01/1840 (tức ngày mồng 6 tháng 12 năm âm lịch) vua Minh Mạng đã có Chỉ Dụ cho phép Tôn Thất Bật – Tổng đốc Hải Yên (Quảng Ninh ngày nay) tổ chức khai thác than ở vùng núi Yên Lãng – Đông Triều. Kể từ đó, ngày 10/01/1840 được lấy làm ngày chính thức khai sinh ra ngành khai thác Than và vua Minh Mạng chính là Ông Tổ của ngành khai thác Than Việt Nam. Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận di tích Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng, thuộc thôn Trại Hà, xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh và TKV kính cẩn dâng hương, hoa tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền bối, những người đã khai sinh ra ngành sản xuất than Việt Nam
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu đã kính cẩn dâng hương, hoa tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền bối, những người đã khai sinh ra ngành sản xuất than Việt Nam, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu tham quan khu di tích
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đây là nơi bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, ghi nhớ công lao các bậc tiền bối đã khai sáng ra Ngành khai thác than ở Việt Nam và ghi nhớ công ơn các thế hệ thợ mỏ, những người đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than. Đây không chỉ là công trình mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh, nhớ về cội nguồn, mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, những người thợ mỏ qua các thế hệ nói riêng, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh và Việt Nam nói chung. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cùng với Quảng trường 12/11 ở TP Cẩm Phả, ghi dấu nơi diễn ra Cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936, Di tích địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam mãi là niềm tự hào về lịch sử hình thành giai cấp công nhân mỏ và truyền thống lịch sử ngành Than Việt Nam.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, cán bộ, công nhân ngành Than tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ, đoàn kết, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thi đua lao động sản xuất, xây dựng TKV phát triển bền vững, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp. Đồng thời, ngành Than cùng với tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng Di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa, là “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Than cũng như người dân Quảng Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy tặng quà, động viên cán bộ, y bác sỹ Trạm Y tế
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh tặng quà cho cán bộ, công nhân Công ty CP than Vàng Danh
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ – Truyền thống ngành Than 12/11, trong sáng ngày 7/11, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm, tặng quà động viên cán bộ, y bác sỹ Trạm Y tế, PX Vận tải lò và Phân xưởng Phục vụ Công ty CP Than Vàng Danh và trực tiếp đi kiểm tra sản xuất hầm lò, thăm, tặng quà, động viên thợ lò Phân xưởng Khai thác 7 đang làm việc tại Lò chợ II-5-2a, mức +70/+105 Giếng Vàng Danh.
Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho công nhân Phân xưởng KT7 làm việc tại lò chợ II-5-2a Giếng Vàng Danh
Báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Quản đốc Phân xưởng KT7 cho biết, tính đến hết tháng 10/2021, Phân xưởng đã sản xuất đạt 156.000 tấn than, vượt kế hoạch cả năm và phấn đấu năm 2021 sản xuất hơn 200.000 tấn, vượt hơn 50.000 tấn so với kế hoạch, thu nhập bình quân của Phân xưởng đạt từ 25-30 triệu đồng/người/tháng, góp phần vào kết quả chung của Công ty CP than Vàng Danh trong 10 tháng năm 2021, sản xuất đạt trên 3,26 triệu tấn than nguyên khai, dự kiến cả năm 2021 đạt 3,75 triệu tấn; tiêu thụ 10 tháng đạt gần 2,7 triệu tấn, dự kiến cả năm đạt 3,28 triệu tấn; thu nhập bình quân đạt trên 16,6 triệu đồng/người/tháng.
Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện với thợ lò làm việc tại lò chợ II-5-2a mức +70/+105
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biểu dương những nỗ lực cố gắng, kết quả, thành tích của Phân xưởng KT7 nói riêng và Công ty CP than Vàng Danh nói chung, là đơn vị có truyền thống, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, có quy mô sản xuất và sản lượng than hầm lò lớn nhất của TKV. Đặc biệt, Than Vàng Danh đã phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và giữ vững nhịp độ sản xuất, góp phần quan trọng để Quảng Ninh thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Đồng chí đề nghị, Than Vàng Danh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào quản lý và sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao hiệu quả SXKD. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, củng cố y tế cơ sở, kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch xâm nhập, đảm bảo an toàn sức khỏe cho CNLĐ, cùng với tỉnh thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và chủ động thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ – Truyền thống ngành Than 12/11, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chúc cán bộ, công nhân ngành Than tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” và những kết quả, thành tích đạt được, lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc kế hoạch SXKD, xây dựng TKV ngày càng phát triển vững mạnh, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.