TKV đang phối hợp với các Bộ, Ngành và Thanh tra Chính phủ xử lý các nội dung kiến nghị trong Kết luận Thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Ngày 4/1/2018, Tạp chí Than – Khoáng sản đã phỏng vấn bà Đặng Thị Tuyết – Trưởng ban Thanh tra Pháp chế về việc thực hiện KLTTCP tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Nay, sau khi VPCP ban hành Văn bản số 08/TB-VPCP ngày 05/01/2018 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại TKV và một số đơn vị thành viên, Tạp chí đã trao đổi với bà Đặng Thị Tuyết về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó tướng Chính phủ một số nội dung sau:

  1. Ngày 05/01/2018 Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 08/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về KLTT tại TKV và một số đơn vị thành viên, xin bà cho biết các nội dung cơ bản của thông báo là gì?

Ngày 17/7/2015, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có Quyết định số 2058/QĐ-TTCP thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật, nhiệm vụ tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau giữa TTCP với TKV và các Bộ Ngành có liên quan, ngày 29/6/2017 Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã tổ chức cuộc họp với TTCP, TKV và các Bộ: Công thương, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường để thống nhất. Ngày 30/8/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2618/VPCP-V.I thông báo ý kiến Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình: Trên cơ sở kiến nghị của TTCP, Bộ Công thương chủ trì, đề xuất xử lý đối với khoản tiền 8.320,851 tỷ đồng; Bộ Tài chính chủ trì, đề xuất xử lý đối với khoản tiền 1.623.075 tỷ đồng; TKV chủ trì, đề xuất xử lý đối với khoản tiền 4.564,994 tỷ đồng, báo cáo kết quả đến TTCP để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ và TKV đã có Văn bản gửi TTCP theo chỉ đạo.

Ngày 09/11/2017, TTCP ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) số 2810, nhưng một số nội dung KLTT chưa xem xét ý kiến đề xuất của các Bộ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại Công văn số 2618/VPCP-V.I ngày 30/8/2017. Vì vậy, ngày 20/12/2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã tiếp tục chủ trì cuộc họp về KLTT số 2810 của TTCP, có sự tham gia của TTCP, TKV và các Bộ: Công an, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục thuế. Căn cứ Kết luận của cuộc họp, ngày 05/01/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 08/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại TKV và một số đơn vị thành viên. Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đồng ý cơ bản với nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, yêu cầu TKV và các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và gửi báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, việc chấp hành chính sách pháp luật về đất đai tại TKV chưa tốt, cần phải chấn chỉnh, khắc phục. Do vậy, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý, hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, tồn tại và sai phạm trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Đối với việc xử lý đối với khoản tiền chênh lệch về thuế tài nguyên và khoản tiền khuyến khích sản lượng, chất lượng đối với các đơn vị khai thác than, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với TTCP, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xác định rõ đối tượng nộp thuế tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên, xác định nghĩa vụ thuế tài nguyên phải nộp ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính kiểm tra chặt chẽ, xác định rõ bản chất về các hợp đồng khai thác giữa TKV với các công ty con và việc khai thác, tiêu thụ tài nguyên để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thống nhất kiến nghị biện pháp xử lý đối với các khoản tiền chênh lệch thuế tài nguyên theo quy định.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ thống nhất về phương pháp tính toán, nghiệm thu, thanh toán khối lượng vận chuyển đất đá; đồng thời khẩn trương ban hành văn bản quy định, hướng dẫn về các hệ số để áp dụng trong nghiệm thu, thanh toán khối lượng vận chuyển đất, đá tại các mỏ khai thác lộ thiên để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay.

Về các trường hợp Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển cơ quan điều tra Bộ Công an, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, VKSND Tối cao rà soát kỹ để thống nhất biện pháp xử lý. “Căn cứ để chuyển các vụ việc sang cơ quan điều tra là vi phạm và thiệt hại, nhưng không hình sự hoá quan hệ kinh tế, nhất là những vụ việc đang trong quá trình thương lượng khắc phục hậu quả thu hồi tài sản về cho Nhà nước. Đối với trường hợp đầu tư ra nước ngoài có liên quan đến quan hệ đối ngoại (như đầu tư ở Campuchia và Lào) thì phải đánh giá cụ thể hiệu quả kinh tế, tính đến những tác động rủi ro khách quan và chủ trương đối ngoại của Chính phủ” – trích Thông báo số 08/TB-VPCP (Toàn văn Thông báo 08/TB- VPCP đính kèm)

  1. Ngày 16/1/2018, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo số 84/TB- TTCP về Kết luận thanh tra tại TKV, Xin hỏi, các nội dung trong Thông báo này có khác so với Kết luận số 2810/KL – TTCP?

Theo Điều 39 – Luật Thanh tra quy định về việc công khai Kết luận Thanh tra, ngày 16/01/2018, Thanh tra Chính phủ ban hành Văn bản số 84/TB-TTCP thông báo công khai Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại TKV và một số đơn vị thành viên giai đoạn 2010-2015, chính là Kết luận số 2810/KL- TTCP. Theo đó, bên cạnh việc ghi nhận sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo TKV cùng toàn thể CBCNV đã nỗ lực, cố gắng, đạt được nhiều kết quả, doanh thu 432,1 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 27,3 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 75,6 ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng vạn cán bộ, công nhân; Cơ quan thanh tra cho rằng, Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc TKV ban hành các cơ chế quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế và quy định. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, TKV và các đơn vị thành viên chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, phát sinh nhiều chi phí bất hợp lý, tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận, thất thu ngân sách Nhà nước… Tổng số tiền qua thanh tra phát hiện có sai phạm, cần kiến nghị xử lý 14.882,409 tỷ đồng và gần 6,7 triệu m2 nhà, đất.

  1. Xin bà cho biết cụ thể hơn về các khoản tiền phải xử lý Phó Thủ tướng giao cho các Bộ là gì ?

Tổng số tiền 14.882,409 tỷ đồng TTCP nêu trong Kết luận là “cần kiến nghị xử lý”, chưa kết luận là “sai phạm” đối với toàn bộ số tiền này. Trong số 14.882,409 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các Bộ Ngành và TKV chủ trì xử lý:

(i) Chuyển Bộ Công thương chủ trì xử lý 8.320,851 tỷ đồng, gồm:

+ Lỗ chênh lệch tỷ giá của Tổng công ty Điện lực chưa được tính bù trong giá bán điện theo Thông tư số 41/2010/TT-BCT ngày 14/12/2010 của Bộ Công thương: 3.311,611 tỷ đồng TTCP có ý kiến là đúng. Hiện nay TKV vẫn chưa được xử lý, dẫn đến phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tại Tổng công ty Điện lực.

+ Tính toán khối lượng đất đá vận chuyển trong khai thác lộ thiên TKV 4.597,58 tỷ đồng: TKV thực hiện theo quy định chuyên ngành khai thác mỏ lộ thiên trong khi TTCP lại tính theo một cách khác không thống nhất về phương pháp và thông số tính toán.

+ Chênh lệch khối lượng nghiệm thu vận chuyển đất đá TKV tính theo quy định chuyên ngành trong khi TTCP tính theo đăng kiểm xe thuê ngoài: 347,622 tỷ đồng;

+ Tính lại số trích lập quỹ Khen thưởng phúc lợi của Tổng công ty Khoáng sản: 64,041 tỷ đồng.

Về các nội dung này, Bộ Công thương đã có các Công văn số 485/BCT-TCNL ngày 14/6/2017 và số 601/BCT-TCNL ngày 17/7/2017 gửi TTCP thống nhất cách xác định của TKV là có cơ sở.

(ii) TKV chủ trì xử lý 4.564,994 tỷ đồng: TKV đã xử lý một số nội dung và đã có Công văn số 5366/TKV-KTTC ngày 10/11/2017 gửi TTCP báo cáo cụ thể về cơ sở pháp lý, đề nghị TTCP chấp thuận một số nội dung theo số liệu của TKV.

(iii) Chuyển Bộ Tài chính chủ trì xử lý và kiến nghị thu hồi về NSNN:

* Chuyển Bộ Tài chính chủ trì xử lý 123,968 tỷ đồng: Bộ Tài chính đã có  các Công văn số 14930/BTC-TCT ngày 03/11/2017 và số 16470/BTC-TTr ngày 06/12/2017 gửi TTCP phủ nêu rõ việc thực hiện của TKV có cơ sở, đề nghị TTCP không kiến nghị xử lý số tiền 123,968 tỷ đồng.

* Kiến nghị thu hồi về NSNN 1.872,596 tỷ đồng, gồm có:

+ Số tiền 1.635,585 tỷ đồng thuế tài nguyên than:

TTCP kiến nghị tăng thu thuế tài nguyên là không có cơ sở do xác định không đúng đối tượng nộp thuế và giá tính thuế. TKV đã kê khai và nộp thuế tài nguyên theo đúng Luật thuế tài nguyên và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, đề xuất xử lý. Bộ Tài chính các Công văn số 816/BTC-TCT ngày 26/7/2017; số 14930/BTC-TCT ngày 03/11/2017 và số 16470/BTC-TTr ngày 06/12/2017 gửi TTCP nêu rõ cách xác định thuế tài nguyên của TKV phù hợp quy định. Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng có Công văn số 44/HTVT do Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Cúc ký ngày 27/11/2015 nêu rõ TKV thực hiện kê khai, nộp thuế tài nguyên phù hợp quy định.

+ Số tiền 273,011 tỷ đồng còn lại (1.872,596 – 1.635,585) bao gồm tiền thuế chưa đến hạn nộp, một số khoản khác TKV đang tiếp tục báo cáo giải trình và sẽ thực hiện khi có Quyết định truy thu của TTCP theo quy trình xử lý kết luận thanh tra.

Thực hiện Thông báo số 08/TB-VPCP ngày 05/01/2018 của VPCP, hiện nay các bộ Tài chính, Công thương đang chủ trì xử lý, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2018.

  1. Về các vụ chuyển cơ quan công an thì khả năng thu hồi, xử lý thế nào?

Trong các vụ việc TTCP có ý kiến chuyển sang Cơ quan điều tra xem xét, một số vụ việc là rủi ro phát sinh trong hoạt động doanh nghiệp và hoạt động khảo sát thăm dò khoáng sản, một số vụ việc TKV đã thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, một số vụ việc đã được cơ quan pháp luật có thẩm quyền xử lý.

Tại Văn bản số 2618/VPCP-V.I ngày 30/8/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo về các khoản đầu tư tại Lào và Campuchia: TTCP cần đánh giá trong điều kiện TKV phải thực hiện chủ trương của Chính phủ và xem xét đến các yếu tố khách quan, rủi ro trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò khoáng sản để kết luận.

Tại Văn bản thông báo số 08/TB-VPCP ngày 05/01/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình có chỉ đạo: Căn cứ để chuyển các vụ việc sang cơ quan điều tra là vi phạm và thiệt hại, nhưng không hình sự hoá quan hệ kinh tế, nhất là những vụ việc đang trong quá trình thương lượng khắc phục hậu quả thu hồi tài sản về cho Nhà nước. Đối với trường hợp đầu tư ra nước ngoài có liên quan đến quan hệ đối ngoại (như đầu tư ở Campuchia và Lào) thì phải đánh giá cụ thể hiệu quả kinh tế, tính đến những tác động rủi ro khách quan và chủ trương đối ngoại của Chính phủ.

Có thể nêu một số vụ việc như sau:

(i) Công nợ phải thu:

– Công ty CP Xi măng Hữu Nghị: TKV đã có đơn khởi kiện Công ty CP Xi măng Hữu Nghị ra Tòa án Nhân dân Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tòa án đã có Quyết định về việc công nhận thỏa thuận của các đương sự, theo đó Công ty CP Xi măng Hữu Nghị phải thanh toán toàn bộ công nợ cho TKV. Hiện Công ty cũng đang triển khai kế hoạch trả nợ TKV từ nguồn tiền bán sản phẩm.

– Công ty CP Xi măng Hà Giang: Công ty CP Xi măng Hà Giang đã ký Biên bản đối chiếu công nợ và có các Văn bản gửi TKV đề xuất phương án trả nợ từ Quý I/2017 và kết thúc chậm nhất sau 36 tháng.

(ii) Các dự án đầu tư tại Lào và Campuchia: TKV thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ và chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Lào, Campuchia, khi kết quả thăm dò chi tiết cho thấy trữ lượng không đảm bảo hiệu quả dự án, TKV đã quyết định dừng. Dự án Bauxit Campuchia có đối tác nhận chuyển nhượng nhưng chưa được Chính phủ chấp thuận do vấn đề quốc phòng, an ninh.

(iii) Về việc đầu tư, thành lập Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hoá: Cục điều tra C48, Công an Tỉnh Thanh Hóa, Thanh tra Bộ Công thương đã thanh, kiểm tra và đã có kết luận. Dự án chưa có hiệu quả do phải dừng từ năm 2012. Hiện nay UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận cho Công ty hoàn thiện thủ tục để cấp phép khai thác mỏ và thực hiện khai thác, chế biến sâu quặng Cromit, các tài sản đã đầu tư sẽ được sử dụng và phát huy hiệu quả.

(iv) Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên phải trả nợ Eximbank Thái Lan theo cam kết bảo lãnh: Vụ việc đang được Toà án Thái Lan và Việt Nam xử lý theo quy định pháp luật.

(v) Vốn đầu tư tại Công ty CP Vận tải thuỷ: Từ năm 2015 đến nay Công ty đã có lãi và đã trả hết nợ vay Tập đoàn. TKV cũng đã lựa chọn được Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần của TKV với giá không thấp hơn 10.000 đồng/CP, đảm bảo thu hồi đủ vốn đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công thương hướng dẫn TKV thực hiện.

(vi) Về việc nghiệm thu khối lượng vận chuyển đất đá thuê ngoài:Bộ Công thương đã có Văn bản gửi TTCP thống nhất việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng thuê ngoài vận chuyển của TKV là có cơ sở.

  1. Xin bà cho biết việc triển khai thực hiện KLTT 2810 của TKV hiện nay?

Sau khi có KLTT, ngày 15/11/2017, Ban thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 26-ND/ĐU về việc thực hiện Kết luận số 2810/KL-TTCP, theo đó quyết nghị và giao cho Tổng giám đốc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung theo KLTT, đồng thời tập trung báo cáo, giải trình những vấn đề mà Tập đoàn chưa đồng thuận với KLTT, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Ngày 16/11/2017, Tổng giám đốc đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị thành viên TKV triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-ND/ĐU của Ban thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn.

Đối với những kiến nghị của TTCP có cơ sở pháp lý và phù hợp với thực tiễn nêu trong KLTT, Tập thể HĐTV, Ban lãnh đạo điều hành nghiêm túc nhận trách nhiệm và chịu mọi hình thức xử lý của Đảng, Nhà nước và Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Đối với các nội dung chưa đồng thuận trong KLTT, TKV có Công văn số 5376A/TKV-KTTC ngày 14/11/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo TTCP điều chỉnh KLTT theo đúng quy định.

Thực hiện Thông báo số 08/TB-VPCP, hiện nay TKV đang phối hợp với các Bộ và TTCP xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2018.

 

Bài trướcViệt Nam – Nhật Bản tăng cường hợp tác công thương và năng lượng
Bài tiếp theoLãnh đạo Tập đoàn tiếp Phó Thủ tướng Cộng hòa Belarus