Hưởng ứng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII (năm 2020-2021), Công ty CP Than Vàng Danh – Vinacomin đã có nhiều đề tài, giải pháp dự thi. Các đề tài, giải pháp này đang được áp dụng tại đơn vị, mang lại giá trị làm lợi cao.
Một trong những giải pháp tiêu biểu của Công ty là thay đổi công nghệ khấu không để lại trụ bảo vệ cho các lò chợ ZRY. Từ cuối năm 2017, Công ty đưa vào áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm loại ZRY để khai thác điều kiện vỉa dốc có chiều dày vỉa từ 2,5-3,5m. Quá trình áp dụng cho thấy, năng suất lao động và sản lượng khai thác than hầm lò tăng đáng kể với bình quân 6,36 tấn/công-ca, đặc biệt, tổn thất than giảm ở mức còn 21%. Tuy nhiên, công nghệ khai thác này còn điểm hạn chế lớn đó là vấn đề trụ bảo vệ để lại lớn, làm giảm trữ lượng khai thác của lò chợ, tổn thất than.
Xuất phát từ thực tế đó, nhóm tác giả: Vương Minh Thu, Trần Văn Thức, Trần Quang Vinh, Nguyễn Văn Hà, Vũ Đình Hiệp, Vũ Văn Dương của Công ty, đã nghiên cứu, đưa ra giải pháp áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm ZRY khấu không để lại trụ bảo vệ.
Ông Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh, Trưởng nhóm tác giả, cho biết: Với công nghệ này, sản lượng khai thác than tăng lên khoảng 16% so với lò khấu để lại trụ bảo vệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm tổn thất than xuống còn 17%. Qua áp dụng từ giữa năm 2021 đến nay, giải pháp này đã làm lợi Công ty 19 tỷ đồng.
Nhiều giải pháp của Công ty cũng chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn cho người lao động trong sản xuất, kinh doanh; trong đó có giải pháp máy đánh đáy xe goòng dùng trong hầm lò của tác giả Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty, chủ trì thực hiện.
Ông Phạm Văn Minh cho biết: Đối các đơn vị khai thác than hầm lò, xe goòng là một sản phẩm không xa lạ. Tuy nhiên, trong công tác vận tải than, đá bằng xe goòng luôn tồn tại một nhược điểm là than, đá bám dính vào đáy xe, làm tăng tổn thất điện năng, tăng chi phí sửa chữa đường sắt và các thiết bị như tàu, goòng, giảm năng lực vận tải và làm tăng chi phí vận hành. Điều đó cũng làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
Để làm sạch xe goòng, trước đây Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp, như cuốc, xúc thủ công, dùng búa chèn hơi gõ vào thùng goòng, dùng máy xúc thủy lực tự chế để đánh tơi…, nhưng tốn nhiều công sức, năng suất không cao, hiệu quả đánh tơi kém. Trăn trở với thực tế này, đầu năm 2019, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công nhân của đơn vị đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị đánh tơi than đá bám dính xe goòng một cách hiệu quả và hiện đại.
Ưu điểm của thiết bị này là chế độ vận hành được tự động hoá hoàn toàn; đầu khấu phá đá chuyên dùng tốc độ cao, hoạt động bền bỉ trong môi trường khắc nghiệt. Goòng được làm sạch triệt để, kể cả đá cứng lâu ngày, giảm sức lao động thủ công, thời gian đánh tơi xe goòng ngắn; năng suất vận tải, đặc biệt hệ số an toàn được nâng lên. Mỗi tuần thiết bị này có thể làm sạch 150-200 xe goòng.
Ngoài 2 đề tài, sáng kiến trên, mang đến Hội thi STKT tỉnh lần thứ VIII, Công ty còn có giải pháp lắp đặt, đưa hệ thống điều khiển đóng/mở ghi đường sắt phòng nổ dùng trong hầm lò. Với giải pháp này, chỉ với một thao tác nhấn nút điều khiển, công nhân có thể chuyển hướng cả đoàn tàu mà không cần phải lên, xuống tàu để bẻ ghi thủ công như trước. Đến nay, sau hơn 1 năm áp dụng thử nghiệm, giải pháp đã mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị: Năng suất vận tải của các phương tiện được nâng lên; sức lao động thủ công của người thợ được giảm; đặc biệt, công tác an toàn trong quá trình vận tải đường sắt của đơn vị được cải thiện đáng kể so với trước.